Datacenter – Trung tâm dữ liệu cho doanh nghiệp

Từ lâu trên thế giới, trung tâm dữ liệu (Datacenter) đã là một trong những quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp với mục tiêu khai thác tối đa vai trò của công nghệ thông tin nhằm tạo ra sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp.

Với vai trò trung tâm của mình, trung tâm dữ liệu cho phép doanh nghiệp tối ưu hóa chuỗi cung cấp (supply chain), triển khai thương mại điện tử, kết nối các quy trình công việc quan trọng của doanh nghiệp, thực hiện các công việc như tổng hợp, thống kê, phân tích, báo cáo và tự động hóa các quy trình, giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian, và đưa ra các quyết định kịp thời cho sản xuất kinh doanh.

Cùng với sự bùng nổ của Internet, sự phát triển của công nghệ thông tin, và xu hướng toàn cầu hóa, việc cạnh tranh, hoạt động trên thị trường không còn giới hạn trong khuôn khổ một khu vực địa lý vùng, miền, ngày càng nhiều các doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng công nghệ cao nhằm đi trước đón đầu tạo thế cạnh tranh, nắm bắt cơ hội… Việc xây dựng và khai thác Datacenter một cách hiệu quả là yếu tố rất quan trọng nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong xu thế hiện nay.

Ở bài viết này, chúng tôi xin cung cấp những thông tin cơ bản về Datacenter cũng như những lợi ích mà Datacenter mang lại cho doanh nghiệp, qua đó, chúng ta có thể định hướng đầu tư xây dựng Datacenter cho EVNCPC, nhằm tối ưu hóa các hệ thống công nghệ thông tin hiện tại cũng như tương lai gần, đồng thời tiết giảm các khoản chi phí đầu tư về Công nghệ thông tin của Tổng Công ty.

I – Giới thiệu về Datacenter:

Trước khi đi vào tìm hiểu chi tiết, chúng ta sẽ bắt đầu từ định nghĩa về Datacenter. Ở đây, chúng tôi xin cung cấp một khái niệm được cộng đồng thừa nhận đó là: Datacenter là một hệ thống trung tâm, là môi trường tích hợp hệ thống chuyên dụng về phần cứng và các chương trình phần mềm, nơi cung cấp các dịch vụ lưu trữ dữ liệu và các ứng dụng đảm bảo tính an toàn trong việc trao đổi thông tin, nơi hợp nhất dữ liệu của người sử dụng để giảm thiểu chi phí quản lý chung về công nghệ thông tin của doanh nghiệp.

Ở một khía cạnh nào đó, Datacenter là nơi chứa đựng, tập hợp tất cả dữ liệu của doanh nghiệp, của các tổ chức, ngành… nhằm hỗ trợ việc xử lý thông tin và ra các quyết định. Với mục đích đó, các số liệu là nguyên liệu của các phép tính và rất quan trọng. Từ các kết quả này cho ra các thông tin mang tính so sánh, tổng kết. Như vậy, dữ liệu độc lập đã trở thành các thông tin có tính tương tác. Rồi dựa trên các thông tin này, con người lại xử lý ở mức cao hơn (mức tư duy) để trở thành các quyết định. Lúc này, nhu cầu lưu trữ dữ liệu được đặt ra. Không chỉ lưu trữ được dài hạn, số lượng lớn mà còn phải tránh được các hiểm họa từ thiên nhiên (bão, lũ, động đất…) và từ con người (đánh cắp số liệu, thay đổi số liệu…). Vì vậy, Datacenter phải là nơi lưu trữ dữ liệu an toàn. Các phương tiện lưu trữ ngày càng được cải tiến từ đĩa mềm ban sơ, đến đĩa CD, đĩa DVD, rồi đến các server. Khi khối lượng lưu trữ lớn đặt ngược lại vấn đề là cần truy cập đến số liệu đó một cách nhanh chóng, chính xác hơn. Do đó, bên cạnh nhu cầu tự xây dựng Datacenter còn nảy sinh nhu cầu dịch vụ về Datacenter. Doanh nghiệp có thể thuê máy chủ để lưu trữ dữ liệu hoặc tự trang bị máy chủ và thuê nơi lắp đặt. Doanh nghiệp cũng có khi cần đến “back up” (khôi phục) dữ liệu hay xử lý dữ liệu thành những thông tin cần thiết. Như vậy, một Datacenter có thể cung cấp một hoặc nhiều trong số các dịch vụ kể trên.

II – Các yêu cầu:

Cơ sở dữ liệu là một tài nguyên đóng một vai trò quyết định đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức và doanh nghiệp, do vậy doanh nghiệp có xu hướng bảo vệ nghiêm ngặt nguồn tài nguyên này. Một Datacenter phải đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhằm đảm bảo tính toàn vẹn cũng như tính khả dụng của thông tin và môi trường công nghệ.

Theo tính toán, chi phí để xây dựng một Datacenter thông thường từ 5.400 USD/m2 – 13.000 USD/m2 (thời điểm năm 2008, hiện tại chi phí trung bình vào khoảng 3.000 USD/m2) và thực hiện mất từ 3 đến 8 tháng. Ngoài ra, cần phải có đội ngũ nhân sự chuyên trách để vận hành Datacenter.

Như vậy, để có một Datacenter thực sự tốt, đủ mạnh đáp ứng các yêu cầu khắt khe về kĩ thuật cũng như yêu cầu về quản lý của doanh nghiệp thì nó phải hội đủ các yếu tố cơ bản sau:

A – Về thiết kế:

1. Datacenter phải được tiếp cận thiết kế, thiết kế, quản trị thực hiện xây dựng, xây dựng, bàn giao và vận hành theo tiêu chuẩn TIA – 942 ở mức tier 3, tối thiểu là mức tier 2.

2. Datacenter phải được thiết kế theo mô hình và các tiêu chuẩn của Green Data Center (Trung tâm dữ liệu Xanh), được hiểu là Datacenter sẽ được vận hành với mức tiêu thụ điện năng thấp, thân thiện môi trường với mức tổng chi phí sở hữu (TCO) cho từng khoảng thời gian 5 năm là thấp nhất.

3. Datacenter phải được thiết kế theo hình thức module, khả năng mở rộng dễ dàng, các thiết bị được đề xuất trang bị và sử dụng trong Datacenter không lạc hậu về công nghệ ít nhất trong vòng 5 năm tiếp theo.

4. Datacenter phải được thiết kế và xây dựng với đầy đủ các chức năng như hệ thống lạnh, hệ thống nguồn điện, hệ thống lưu điện, hệ thống mạng và mạng trục, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống quản trị truy cập vật lý, hệ thống quản trị môi trường, hệ thống phát hiện rò rỉ chất lỏng, hệ thống quản trị tập trung tất cả các thành phần có trong hoặc liên quan đến Datacenter, hệ thống sàn nâng, hệ thống máy phát…

B – Về vận hành:

1. Là nơi tích hợp tất cả các công nghệ hàng đầu về mạng, hệ thống và phần mềm ứng dụng được sử dụng trong hệ hống Datacenter.

2. Mạng được thiết kế dành riêng đáp ứng yêu cầu cực cao về tốc độ truyền giữa các thiết bị, tính ổn định được coi trọng và vấn đề bảo mật cho hệ thống mạng được đặt lên hàng đầu. Được cấu hình tối ưu và hỗ trợ khi một kết nối bị hỏng với một thiết bị thì thiết bị vẫn hoạt động bình thường với kết nối luôn ở tốc độ cao.

3. Với hệ thống máy chủ có cấu hình cực cao đáp ứng các ứng dụng chạy trên nó với độ trễ nhỏ nhất, thời gian đáp ứng thấp nhất, hỗ trợ nhiều ứng dụng và cấu hình hoàn hảo giúp hệ thống chạy 24/7. Đáp ứng các ứng dụng khắt khe nhất.

4. Các phần mềm hỗ trợ sử dụng tối đa cấu hình của phần cứng, giúp liên kết các máy chủ với Cluster tăng sức mạnh cho máy chủ và khả năng backup dữ liệu khi có sự cố sảy ra chỉ trong một thời gian ngắn hệ thống có thể đi vào hoạt động như bình thường và dữ liệu được bảo vệ không bị mất.

5. Về mặt con người quản trị và vận hành:

a) Phải biết xây dựng và khắc phục khi có sự cố về mạng xảy ra. Tối ưu và bảo mật hệ thống mạng là yêu cầu bắt buộc đối với các hệ thống lớn.

b) Biết thiết lập và yêu cầu phần cứng cho máy chủ và kết nối chúng tạo thành các Cluster xử lý lớn hay giải pháp Redundant: Network Load Balancing cho phép khắc phục nhanh các sự cố về máy chủ.

c) Quản lý hệ điều hành và các công cụ quản trị trên đó: Thực hiện các công việc bảo trì nâng cấp phần mềm. Quản lý dữ liệu, có kế hoạch sao lưu dự phòng hệ thống.

d) Thấu hiểu các phần mềm ứng dụng chạy trên hệ thống…

Lê Văn Tường – Ngô Huy Chiến
(EVNCPC IT&T)

Tin tức liên quan