Theo ước tính của các nhà chuyên môn, trên khắp mặt địa cầu, cứ mỗi giây có khoảng 40-50 cú sét đánh xuống mặt đất. Sét không những gây thương vong cho con người, mà còn có thể phá hủy những tài sản của con người như các công trình xây dựng, công trình cung cấp năng lượng, hoạt động hàng không, các thiết bị dùng điện, các đài truyền thanh truyền hình, các hệ thống thông tin liên lạc… và làm gián đoạn công việc.
Sét là một nguồn điện từ rất mạnh, xuất hiện do sự hình thành các điện tích khối lớn – từ các đám mưa giông mang điện tích dương, ở phần trên của đám mây – và điện tích âm, ở phần dưới của đám mây – tạo một điện trường có cường độ lớn chung quanh đám mây. Trong quá trình tích lũy các điện tích trái dấu, một điện trường có cường độ gia tăng liên tục được hình thành. Khi điện thế tại một nơi nào đó trong đám mây vượt quá ngưỡng cách điện của không khí, sẽ xảy ra hiện tượng sét đánh xuyên, hay còn gọi là sét tiên đạo.
Con đường mà sét đi qua, làm thiệt hại cho tài sản của con người trên mặt đất, có thể kể ra như sau:
– Sét đánh trực tiếp vào công trình.
– Sét lan truyền qua các đường cáp cung cấp nguồn cho thiết bị điện và qua các đường cáp tín hiệu giữa các thiết bị điện.
Dựa vào đặc tính sét, các giải pháp chống sét phân biệt thành hai loại: chống sét trực tiếp và chống sét lan truyền.