Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện Bộ TT&TT, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, các chuyên gia, các doanh nghiệp viễn thông… và khoảng 40 cơ quan báo chí.Ông Nguyễn Thế Hào, Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam cho biết: “Sở dĩ chúng tôi tổ chức tọa đàm về chủ đề “Kịch bản nào cho thị trường viễn thông Việt Nam?” nhằm cùng cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế đưa ra những quan điểm khách quan góp phần xây dựng thị trường viễn thông trong tương lai phát triển hiệu quả nhất, đảm bảo quyền lợi của cả 3 chủ thể Khách hàng – Doanh nghiệp – Nhà nước. Đây cũng là vấn đề nóng đang được công chúng, cơ quan quản lý và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi Quy hoạch phát triển viễn thông đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020. Quy hoạch này nhằm đảm bảo thị trường viễn thông phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo môi trường canh tranh bình đẳng, lành mạnh. Vì vậy, đối với mỗi thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế phải có ít nhất 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để đảm bảo cạnh tranh. Việc tạo ra thị trường cạnh tranh đối với dịch vụ di động, Internet băng rộng, cố định đường dài và quốc tế sẽ thông qua các chính sách cấp phép, kết nối, kiểm soát bình ổn thị trường và quy hoạch tài nguyên phù hợp. Bên cạnh đó, thông qua những biện pháp này để đảm bảo tránh được sự tham gia quá nhiều, đặc biệt là của các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả kinh doanh trên thị trường thấp.
Bản quy hoạch cũng đưa ra mục tiêu sẽ tổ chức lại các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là những doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả, theo hướng cho phép chuyển giao, mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp viễn thông nhằm hình thành 3 – 4 tập đoàn, tổng công ty mạnh; hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên viễn thông để chống xu hướng độc quyền hóa trong hoạt động viễn thông.
Sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã ra Chỉ thị số 36/CT-BTTTT về việc triển khai quyết định của Thủ tướng trong Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Theo đó, đối với một số thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng như di động, cố định đường dài trong nước và quốc tế, Internet băng rộng… phải thực hiện đúng yêu cầu của Quy hoạch viễn thông quốc gia, đảm bảo phải có ít nhất 3 doanh nghiệp mạnh tham gia hoạt động nhằm thúc đẩy cạnh tranh. Bên cạnh đó, cũng tránh việc tham gia quá nhiều, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông, dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả kinh doanh trên thị trường thấp.
Thị trường viễn thông sau thời kỳ độc quyền đã chuyển sang giai đoạn mở cửa cạnh tranh với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp viễn thông mới. Việc tham gia của các doanh nghiệp mới này đã khiến cho thị trường phát triển mạnh liên tục ở mức bùng nổ. Việc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường viễn thông đã khiến cho một số doanh nghiệp viễn thông không theo nổi cuộc chạy đua và phải sáp nhập vào doanh nghiệp viễn thông lớn hơn. Trong thời gian tới, thị trường viễn thông cũng sẽ tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt và sẽ có thêm doanh nghiệp viễn thông phá sản hoặc sáp nhập.
Xu hướng doanh nghiệp viễn thông nhỏ sẽ bị phá sản hoặc sáp nhập đang xảy ra ở thị trường viễn thông Việt Nam đang dẫn tới nguy cơ thị trường viễn thông manh nha trở lại độc quyền, mà trước mắt là độc quyền về một vài dịch vụ. Vì vậy, đây là thời điểm cần có nhưng chính sách quy hoạch, điều chỉnh phù hợp để thúc đẩy thị trường viễn thông phát triển bền vững, vừa đảm bảo tính cạnh tranh chống xu hướng độc quyền.